Loading...

Hotline: 0905.329.019

Lo mất thương hiệu quốc gia?

10/07/2020

Không tính đến các thương vụ mua bán tư nhân, chỉ riêng việc cổ phần hóa, bán vốn nhà nước ở những “con gà đẻ trứng vàng” như Sabeco, Habeco, Vinamilk… sẽ đem về hàng tỉ USD cho nền kinh tế.

 Bên cạnh câu chuyện làm thế nào để bán được giá vốn nhà nước, không để rơi vào tay các nhóm lợi ích thì chuyện quyết bán hay quyết giữ thương hiệu Việt cho người Việt cũng gây nhiều tranh cãi. Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo không phân biệt nhà đầu tư trong hay ngoài nước khi bán vốn nhà nước ở các doanh nghiệp (DN), đồng thời có biện pháp giữ lại thương hiệu Việt.
 
Theo Cục Tài chính DN – Bộ Tài chính, nhà nước hoàn toàn có thể sử dụng các rào cản thương mại để giữ thương hiệu Việt. Thế nhưng, ở góc nhìn của các chuyên gia, câu chuyện thương hiệu Việt trong giai đoạn hiện tại mang một ý nghĩa khác. Sẽ là mâu thuẫn lớn không giải quyết được nếu cứ giằng co giữa 2 mục tiêu: vừa bán được giá vừa giữ được thương hiệu Việt. Ở đây đòi hỏi sự đánh đổi: Nếu nhà nước muốn xây dựng một công ty có thương hiệu quốc gia thì phải giữ tỉ lệ khống chế, chỉ có thể bán 49% cổ phần, còn nếu đã bán trên 49% thì phải hy sinh quyền kiểm soát.
 
 
Lo mất thương hiệu quốc gia?
 
Sabeco, Vinamilk, Vissan…, những thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam đang nằm trong tầm ngắm của các nhà đầu tư ngoại Ảnh: TẤN THẠNH
 
Theo các chuyên gia kinh tế, tư duy về giữ thương hiệu chủ yếu tồn tại ở các nước châu Á và đã lỗi thời. Không nên quá đặt nặng vấn đề giữ thương hiệu Việt cho người Việt mà quan trọng là hiệu quả kinh tế và đóng góp gì cho sự phát triển của DN và cả nền kinh tế. Về bản chất, quan niệm chung trên thế giới cho rằng DN là tài sản để kinh doanh, kiếm lời. Vì vậy, nên nhìn đúng bản chất của thị trường.
 
Việc DN nước ngoài thâu tóm DN nội là bình thường, quan trọng là làm sao để người tiêu dùng hưởng lợi nhiều nhất. Nên bỏ tư duy bán đi là mất hoặc thâu tóm sẽ giành thế độc quyền bởi nếu có môi trường tốt thì sẽ xuất hiện nhiều công ty cạnh tranh và tạo nên nền kinh tế thị trường đa dạng.
 
Cũng nhìn nhận không nên suy nghĩ nhỏ hẹp trong phạm vi đất nước Việt Nam, chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang cho biết kinh tế toàn cầu không đặt vấn đề thương hiệu quốc gia nữa mà là thương hiệu quốc gia ở tầm quốc tế. Ngay cả chiến lược thương hiệu quốc gia lấy tiêu chí chọn sản phẩm để đưa vào thương hiệu quốc gia cũng còn thiếu một tiêu chí, đó phải là thương hiệu có tầm đi ra thế giới.
 
Lo mất thương hiệu quốc gia?
 
Theo ông Võ Văn Quang, trường hợp DN Thái làm chủ hoàn toàn một DN Việt thì thương hiệu đó vẫn là thương hiệu Việt, cơ chế tài chính vẫn giữ và đa cổ đông, thị trường tiêu thụ chính vẫn là Việt Nam. Thương hiệu có sức sống riêng, việc giữ hay xóa bỏ một thương hiệu sau mua bán sáp nhập không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của chủ DN mà căn cứ vào phản ứng của người tiêu dùng, người tiêu dùng còn ưa chuộng thì sẽ còn sống.
 
“Lấy ví dụ về thương hiệu bia Sài Gòn, nếu nhà đầu tư Thái mua được Sabeco, xóa nhãn bia Sài Gòn thì chắc chắn sẽ có DN khác nhảy vào “xí” ngay. Nói cách khác, bia Sài Gòn còn gắn với tâm thức của người tiêu dùng, kể được những câu chuyện liên quan đến họ thì sẽ không bao giờ chết” – ông Võ Văn Quang nói.
 
Chuyên gia tài chính – TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng những công ty nhà nước đang và sẽ cổ phần hóa chưa phải là công ty có thương hiệu quốc gia mà chỉ mới nổi tiếng trong lãnh thổ Việt Nam, chưa xây dựng được thương hiệu ra bên ngoài.
 
Ngay cả Vinamilk là một công ty lớn tại thị trường Việt Nam nhưng vẫn khó trở thành thương hiệu quốc gia bởi tiêu chí thương hiệu quốc gia là phải đi ra cạnh tranh trực tiếp với những công ty sữa khác trên thị trường quốc tế; nếu chỉ bán quanh quẩn trong thị trường nội địa thì có bán bao nhiêu cũng vẫn là thương hiệu nội địa.
 
Hy vọng sau khi thoái vốn, với sự trợ giúp lớn hơn về vốn, công nghệ, quản trị, chiến lược từ những nhà đầu tư ngoại, Vinamilk sẽ vươn ra đấu trường quốc tế mạnh mẽ hơn.
 
Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu nhà đầu tư nước ngoài làm chủ thị trường? Một kịch bản có hậu là những DN tư nhân Việt Nam đang mạnh lên, đang chạm tới đẳng cấp toàn cầu như Thaco Trường Hải, Vingroup, Masan… sẽ đứng ra “đấu” với DN nước ngoài. Nhà nước phải tạo điều kiện cho những DN tư nhân có tiềm lực tham gia vào quá trình cổ phần hóa các DN nhà nước, kèm theo đó là những ưu đãi không vi phạm luật pháp quốc tế. Kịch bản thứ hai là hài hòa giữa nhà nước và tư nhân, nhà nước đóng vai trò bước đệm.

Theo doanhnhanvathuonghieu.com.vn
BÌNH LUẬN FACEBOOK
TIN LIÊN QUAN

Kinh doanh thương mại điện tử: Làm sao bảo vệ thương hiệu?   (07/08/2020)

Tìm cách bảo vệ thương hiệu (Phần 2)   (23/07/2020)

Tìm cách bảo vệ thương hiệu (Phần 1)   (20/07/2020)

Xây dựng và bảo vệ thương hiệu: Cần chiến lược và bài bản   (02/07/2020)

Phát triển thương hiệu: Hiểu trước, xây sau   (24/06/2020)

Những thương hiệu nổi tiếng nước ngoài đã từng là của người Việt   (01/06/2020)

THƯƠNG HIỆU TIN DÙNG