Loading...

Hotline: 0905.329.019

Tìm cách bảo vệ thương hiệu (Phần 2)

23/07/2020

Tiếp theo kỳ trước, tác giả cụ thể hóa những hành vi xâm phạm tới cạnh tranh không lành mạnh liên quan tới thương hiệu doanh nghiệp cùng những khuyến nghị phòng tránh.

 Theo Điều 130 Luật Sở hữu trí tuệ SHTT 2005, có hai hành vi sau đây bị coi là hành vi cạnh tranh không lành mạnh:
 
Thứ nhất, sử dụng chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn về chủ thể kinh doanh, hoạt động kinh doanh, nguồn gốc thương mại của hàng hoá, dịch vụ.
 
Thứ hai, đăng ký, chiếm giữ quyền sử dụng hoặc sử dụng tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại được bảo hộ của người khác hoặc chỉ dẫn địa lý mà mình không có quyền sử dụng nhằm mục đích chiếm giữ tên miền, lợi dụng hoặc làm thiệt hại đến uy tín, danh tiếng của nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý tương ứng.
 
Chỉ dẫn thương mại ở đây là các dấu hiệu, thông tin nhằm hướng dẫn thương mại hàng hoá, dịch vụ, bao gồm nhãn hiệu, tên thương mại, biểu tượng kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng bao bì của hàng hoá, nhãn hàng hoá.
 
Dưới góc độ kinh tế học, hành vi chỉ dẫn gây nhầm lẫn với doanh nghiệp khác luôn mang bản chất bóc lột bởi vì khi sử dụng các thông tin làm khách hàng nhầm lẫn, doanh nghiệp vi phạm đã cố ý dựa vào danh tiếng của sản phẩm khác hoặc doanh nghiệp khác để tiêu thụ sản phẩm của mình.
 
Bản chất bóc lột thể hiện ở việc doanh nghiệp đã hưởng thành quả đầu tư của người khác một cách bất chính. Dưới góc độ pháp lý, hành vi vi phạm đã xâm hại quyền được bảo hộ của các thành quả đầu tư hợp pháp của doanh nghiệp. Dưới góc độ quyền lợi của người tiêu dùng, hành vi vi phạm với những thông tin gây nhầm lẫn đã tác động trực tiếp đến ý thức của khách hàng, làm cho họ không thể lựa chọn đúng sản phẩm mà họ muốn, xâm phạm quyền tự do lựa chọn của người tiêu dùng. Hành vi này thực sự nguy hại cho xã hội khi sản phẩm bị giả mạo các chỉ dẫn thương mại là sản phẩm kém chất lượng.
 
Luật Cạnh tranh năm 2005 cấm doanh nghiệp sử dụng các chỉ dẫn thương mại làm sai lệch nhận thức của khách hàng về hàng hoá dịch vụ nhằm mục đích cạnh tranh. Để tạo ra nhận thức sai lệch của khách hàng, chỉ dẫn thương mại được sử dụng có thể là giả mạo chỉ dẫn thương mại của thương nhân khác hoặc là những chỉ dẫn thương mại có khả năng gây nhầm lẫn với hàng hoá, dịch vụ với thương nhân khác.
 
Tìm cách bảo vệ thương hiệu (Phần 2)
 
Như vậy, việc sử dụng những chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn không chỉ xâm phạm lợi ích của người tiêu dùng mà còn có thể xâm hại đến lợi ích của đối thủ cạnh tranh. Biểu hiện tập trung của những hành vi chỉ dẫn gây nhầm lẫn là việc sản xuất và cho lưu hành hàng hoá và sản phẩm mà các dữ kiện và thông số về chúng là không trung thực. Hành vi này từng được coi là hành vi làm "hàng giả" và có thể bị được xử lý bằng pháp luật hình sự.
 
Tuy nhiên, theo cách hiểu chung của các quốc gia có pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh thì "hàng giả", "hàng nhái" không thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật hình sự. Bởi lẽ, đối tượng bị xâm phạm là lợi ích của các hãng sản xuất "chính hiệu"- các đối thủ cạnh tranh và vì vậy những hành vi này không nhất thiết phải gây nguy hiểm cho xã hội.
 
Cần lưu ý rằng, những chỉ dẫn thương mại mà có thể bị xâm hại hay tạo sự nhầm lẫn phải là những chỉ dẫn được bảo hộ hợp pháp. Pháp luật của các nước đều chỉ cấm những hành vi sử dụng chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn khi nguồn gốc của sản phẩm chính hiệu là có thật, đã được bảo hộ và hành vi đó phải nhằm mục đích cạnh tranh, nhằm tìm cách thay thế hay gây nhầm lẫn với sản phẩm của đối thủ cạnh tranh.
 
Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh nói trên có thể bị xử lý bằng biện pháp dân sự như đã nêu trên của Luật SHTT hoặc các biện pháp hành chính theo quy định của pháp luật cạnh tranh bao gồm: phạt cảnh cáo, phạt tiền và các hình thức phạt bổ sung, yêu cầu khắc phục hậu quả với mức phạt tiền lên tới 20 triệu đồng
 
Từ phân tích các khía cạnh pháp lý về bảo vệ thương hiệu của doanh nghiệp như trên, việc đầu tiên doanh nghiệp phải làm để bảo vệ thương hiệu của mình là xác lập quyền SHTT đối với nhãn hiệu hàng hóa, biểu tượng kinh doanh, tên thương mại, khẩu hiệu kinh doanh, bí mật kinh doanh, quyền chống cạnh tranh không lành mạnh...
 
Điều cần lưu ý là tên thương mại, khẩu hiệu kinh doanh của doanh nghiệp cũng có thể được bảo hộ như một nhãn hiệu của doanh nghiệp nếu chúng được đăng ký dưới hình thức nhãn hiệu hàng hóa/ nhãn hiệu dịch vụ của doanh nghiệp và điều này có thể tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc xác định hành vi xâm phạm quyền SHTT của doanh nghiệp.
 
Vấn đề tiếp theo doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm là việc theo dõi và phát hiện những hành vi vi phạm thương hiệu của mình và yêu cầu các cơ quan nhà nước áp dụng các biện pháp thực thi quyền SHTT để bảo vệ thương hiệu của mình một cách có hiệu quả. Xa hơn nữa, các doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm đến việc xác lập và bảo vệ quyền SHTT đối với thương hiệu của mình ở nước ngoài, tạo tiền đề cho việc phát triển công việc kinh doanh của doanh nghiệp trên thị trường thế giới.

Theo Tạp chí Doanh nghiệp & Thương hiệu
BÌNH LUẬN FACEBOOK
TIN LIÊN QUAN

Kinh doanh thương mại điện tử: Làm sao bảo vệ thương hiệu?   (07/08/2020)

Tìm cách bảo vệ thương hiệu (Phần 1)   (20/07/2020)

Lo mất thương hiệu quốc gia?   (10/07/2020)

Xây dựng và bảo vệ thương hiệu: Cần chiến lược và bài bản   (02/07/2020)

Phát triển thương hiệu: Hiểu trước, xây sau   (24/06/2020)

Những thương hiệu nổi tiếng nước ngoài đã từng là của người Việt   (01/06/2020)

THƯƠNG HIỆU TIN DÙNG