Loading...

Hotline: 0905.329.019

Gốm Chi - thương hiệu đầy sự khác biệt

13/03/2020

Không nằm trong hệ thống làng nghề, nhưng gốm Chi đã tạo được thương hiệu riêng đầy khác biệt. Vẻ lạ lùng của hình dáng cách điệu và dịu dàng của màu men đã khiến nhiều người mê mẩn với loại gốm có một không hai.

Gốm ngẫu hứng

Khởi tạo gốm bởi đôi bàn tay tài hoa của cụ “Chi Lọ”. Đó là vào những năm 1970, có một người thợ gốm tên là Nguyễn Chi tự mình lập một lò gốm và làm ra những sản phẩm lạ biệt. Thời ấy đất nước khó khăn, nhà nhà đều chỉ lo đến cái ăn, chẳng còn nghĩ đến nghệ thuật.

Nhưng người thợ gốm mà các bạn nghề đặt biệt danh là “Chi Lọ” vẫn miệt mài sáng tạo ra những bình lọ phá cách, nhưng mộc mạc, tự nhiên và có một nét duyên ngầm có thể gọi là sự tinh tế.

Gốm Chi đẹp, lạ và kén người thích đã dần có tiếng trên đất Hà thành. Trải theo năm tháng nằm lặng lẽ trong một con ngõ ở thị trấn Yên Viên (Gia Lâm – Hà Nội), gốm Chi vẫn giữ nguyên được phong cách đẹp mộc mạc cùng tạo hình lạ mắt mà không bị trộn lẫn, dù thị trường gốm giờ sôi động và đa dạng hơn nhiều. Ấy là nhờ có sự tiếp nối của thế hệ kế tiếp – anh Nguyễn Tân. Xưởng nhỏ hẹp nằm lọt thỏm giữa phố xá, xung quanh bao nhiêu là gốm xếp theo hàng, theo lớp.

Mỗi sản phẩm gốm là một hình dáng khác nhau, không tuân theo một kích cỡ, mẫu mã chuyên biệt nào. Những ngôi nhà nhỏ xíu bằng đất sét chưa nung, mà lướt qua cũng liên tưởng ngay đến những ngôi nhà ở phố cổ Hà Nội xưa. Những mái nhà phố đơn sơ ngói xỉn màu rêu những năm 70 thế kỷ trước như hiển hiện trong xưởng gốm này cả.
 
Gốm Chi - thương hiệu đầy sự khác biệt
Sản phẩm gốm hình con gà cách điệu.

Rồi đằng kia, có một con gà mà không giống con gà: “Nhưng đây là con gà. Tôi muốn cách điệu, làm nghệ thuật phải sáng tạo. Trong trí tưởng tượng của tôi, con gà gốm không được giống con gà thông thường. Con gà phải có những dị biệt đáng yêu thì mới là sáng tạo”, nghệ sĩ Nguyễn Tân cho hay.

Quả thật, không chỉ có con gà gốm này mới khác lạ. Hàng nghìn sản phẩm khác, gần như là những độc bản. Mỗi cái lại có một hình thù lạ, như cái cốc không chỉ có miệng mà còn có vòi; cái bát cũng có quai, và đến lọ cắm hoa lại có mặt cười. Cái nào cũng méo, cũng uốn lượn không theo một khuôn mẫu mực thước nào cả.

Ấy vậy mà nhiều người thích. Những vật dụng gốm méo mó ấy lại là thứ trang trí độc lạ khó tìm trên thị trường. Tuy giá cả khá đắt đỏ nhưng nhiều người thích thú săn lùng. “Không phải vì bán được hàng mà mình làm bừa. Sáng tạo cũng có giới hạn chứ không phải cứ thích là làm. Hơn nữa, làm gốm cũng rất mất thời gian chứ không đơn giản như nhiều người vẫn nghĩ”, anh Tân cho biết.

Ba đời làm gốm

Dù không thuộc hệ thống gốm làng nghề, nhưng gốm Chi cũng đã trải qua ba đời. Đầu tiên cụ Nguyễn Tư, sau một thời gian dài học kỹ thuật làm gốm của người Trung Quốc thì cụ đã về Trà Cổ (Móng Cái - Quảng Ninh) để lập nghiệp.

Với một xưởng gốm nhỏ, sản xuất được bao nhiêu là cụ đưa lên thuyền đem bán cho các nơi. Mãi đến năm 1940, cụ Tư mới đón thợ, xây lò lớn sản xuất bát đĩa, ấm chén có tên Vĩnh Long tại Hải Dương. Và thời kỳ ấy, hiệu gốm sứ Vĩnh Long đã được nhiều người sành gốm tin dùng.

Con trai cụ Tư là ông Nguyễn Chi được học nghề từ nhỏ. Khi hiệu gốm Vĩnh Long không còn, ông Chi luôn ấp ủ sẽ làm sống dậy chất gốm gia truyền nên lại mầy mò cách làm dị biệt. Nhưng khi sản phẩm gốm ra lò, những thứ méo mó kia không bán được. Người ta cho là gốm bị lỗi nên không mua.

Sống trong cảnh nghèo khổ, vật vã qua thời bao cấp, ông Chi mới có cơ hội bán sức sáng tạo của mình ra thị trường. Thời xưa, người ta chỉ dùng lọ thuỷ tinh 3 ngấn, lọ lục bình và lọ đất sơn để cắm hoa thì ông Chi đã tung ra sản phẩm gốm với dáng và chất liệu không quy chuẩn.

Một người, rồi nhiều người thấy yêu mến loại gốm này. Họ đến với ông vì lạ, vì độc đáo của loại gốm chưa bao giờ thấy. Cơ hội phục dựng lò gốm của cha và tìm hướng đi riêng đã thành công. “Gốm Chi không phải do cha tôi đặt. Người ta thích loại gốm này nên lấy tên cha tôi mà đặt cho dễ nhớ”, anh Tân giãi bày.

Ngay từ nhỏ, cậu bé Tân đã thích thú với đồ gốm do cha làm. Thế là học nghề, được cha truyền dạy tỉ mỉ nên mười mấy tuổi đã thạo nghề. Những ngày cha đi vắng, Tân đều gánh vác hết các khâu kỹ thuật khó và điều hành thợ trong xưởng.

Yêu gốm lại khéo tay cùng trí tưởng tượng phong phú nên sản phẩm gốm do Tân làm ra chẳng thua kém người cha. Từ những sản phẩm thường nhật đơn giản, nhỏ bé đến những sản phẩm cao cấp, đòi hỏi tỉ mỉ tinh tế, Tân đều làm được hết. Sau này, lại có thời gian trau dồi học hỏi nhiều ở các làng nghề nổi tiếng nên mới ngoài 30 tuổi mà Tân đã là một thợ gốm có hoa tay.

Nhiều di tích được trùng tu, phục chế bởi đôi tay tài hoa của Tân. Các loại gạch “Bát” lát sân cột cờ Hà Nội, rồi men ngói như Thanh lưu ly, Hoàng lưu ly từng bị thất truyền cũng được Tân mầy mò cách lên men đốt lò giúp do các di tích, lăng tẩm ở Cố đô Huế được phục dựng nguyên vẹn theo chất liệu, hình dáng cũ.

Vươn tới cái đẹp

Cho đến bây giờ, những sản phẩm gốm ngộ nghĩnh không còn là hiếm nữa. Tuy nhiều loại gốm không phải là gốm Chi, nhưng nếu tinh ý nhìn dưới trôn sản phẩm sẽ có một hình chiện chữ Chi rất rõ. Và hơn thế, gốm Chi luôn toát lên một vẻ đẹp lạ, đẹp từ dáng tới màu da men bóng mượt.

“Tôi tâm niệm làm gốm phải vươn tới cái đẹp hoàn mĩ. Dĩ nhiên, không có một chuẩn mực nhất định cho cái đẹp, lý luận về cái đẹp cũng vậy. Tuy nhiên, chắc không có ai cho hoa sen hay hoa hồng là những bông hoa xấu xí. Vậy, cái đẹp cũng đơn giản như những bông hoa ấy, giản dị như những buổi bình minh tỏa nắng lấp lánh trên những ô cửa cao ốc hay bừng sáng nơi những con hẻm nhỏ lầy lội. Cái đẹp là cái đơn giản”, anh Tân lý luận.

Hướng tới cái đẹp của gốm với quan niệm giản dị nên những sản phẩm gốm Chi cũng rất đơn giản. Từ con vật đến phù điêu, đầu rồng thời Lý và cả những cái lục bình đều toát được cái riêng, mà ngay cả làng gốm Bát Tràng cũng không có.

Anh Tân cho hay, gốm đẹp nhưng phải bền. Ngoài việc lựa chọn nguyên liệu đất sét, cho đến cách hòa trộn chế biến đều công phu. Khi làm sản phẩm, vì đã là tay quen nên không phải là vấn đề lớn. Khó nhất vẫn là khâu nung và tráng men. Men tráng làm sao không được tối quá mà cũng không được sáng quá. Men chìm xuống, ăn sâu vào trong làm cho sản phẩm có hồn hơn.

Nhiều triển lãm gốm quy mô lớn khắp Bắc – Trung – Nam đều có mặt sản phẩm gốm Chi. “Chúng tôi tự hào vì sản phẩm riêng của mình. Được góp mặt vào những hàng ngũ gốm cổ truyền tinh hoa là vinh dự lớn, và chúng tôi luôn hướng tới việc quảng bá sản phẩm văn hóa Việt với khách nước ngoài để khách quốc tế biết đến Việt Nam và biết đến những sản phẩm độc đáo của chúng ta”, anh Tân cho hay.

Theo Giaoducthoidai
BÌNH LUẬN FACEBOOK
TIN LIÊN QUAN

Tình hình thị trường thép Thế giới trong quý 1/2022   (06/05/2022)

Áp thuế chống bán phá giá tạm thời vật liệu hàn nhập khẩu   (21/04/2022)

Vicem đẩy mạnh giải pháp đồng bộ thực hiện mục tiêu   (05/07/2020)

Nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu vật liệu xây dựng Việt Nam   (27/06/2020)

Tinh hoa gốm Chu Đậu   (08/06/2020)

Hòa Phát sắp xuất khẩu 120.000 tấn phôi thép sang Trung Quốc   (02/06/2020)

Công ty CP Gốm Đất Việt: DN được công nhận DN Khoa học & Công nghệ   (29/05/2020)

Vật liệu thông minh cho thành phố thông minh   (25/05/2020)

Thúc đẩy sử dụng vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường   (20/05/2020)

Xi măng Vicem Hà Tiên Bền Sun Phát PCB40-MS - Sản phẩm chuyên dụng cho công trình ven biển   (07/05/2020)

THƯƠNG HIỆU TIN DÙNG