Loading...

Hotline: 0905.329.019

Đà Nẵng "hút" đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao

03/01/2018

Đà Nẵng đã bước đầu hình thành các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tạo đột phá trong tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao giá trị và thu nhập cho người dân ở vùng nông thôn.

 Tuy nhiên, mức độ sản xuất và ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp ở Đà Nẵng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu so với kỳ vọng.
 
Do đó, thành phố đang tập trung kêu gọi đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao để hình thành các vùng, dự án có quy mô và sản lượng lớn để sản xuất ra các mặt hàng nông sản có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Đà Nẵng
Đà Nẵng "hút" đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh minh hoạ: TTXVN
 
Hiệu quả từ những mô hình
 
Mô hình trồng hoa lan Mokara cắt cành của gia đình anh Nguyễn Xuân Hùng, thôn Dương Sơn, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) đã thực sự mang lại hiệu quả kinh tế và là niềm mơ ước của những người trồng hoa với lợi nhuận 250 triệu đồng/năm từ hơn 10.000 gốc hoa lan. 
 
Thành công của anh Hùng là nhờ sự tìm tòi, học hỏi, dám nghĩ dám làm, biết ứng dụng các kỹ thuật khoa học công nghệ vào sản xuất. Từ năm 2011, anh đã mạnh dạn đầu tư gần 500 triệu đồng để trồng 4.000 cây hoa Mokara cắt cành trong khuôn viên 400m2 tại vườn nhà.
 
Trồng lan Mokara cắt cành thì công đoạn đầu tư nhà lưới và chăm sóc khá công phu; hoa phải có giàn lưới che, thoáng mát và có hệ thống phun sương; các công đoạn chăm sóc lan đòi hỏi sự kiên trì và tuân thủ đúng các kỹ thuật chăm sóc. Vì thế, ngay lứa hoa đầu tiên anh đã thu lãi được 40 triệu đồng. 
 
Từ thành công bước đầu, huyện Hòa Vang đã nhân rộng mô hình bằng cách hỗ trợ anh Hùng phát triển quy mô lớn hơn và ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất hoa tươi.
 
Năm 2015, anh Hùng đã xây dựng thêm 1 nhà sản xuất hoa lan Mokara cắt cành trên diện tích hơn 1.000m2 với hơn 6.000 gốc, tổng kinh phí xây dựng gần 2 tỷ đồng; trong đó, thành phố hỗ trợ 300 triệu đồng. Hiện anh Hùng đang có kế hoạch mở rộng quy mô trồng lan lên 20.000 cây để sản xuất hoa lan và cây giống cung cấp ra thị trường. 
 
Nhận thấy nhiều diện tích đất sản xuất trên địa bàn huyện Hòa Vang bị bỏ hoang, sản xuất manh mún nên hiệu quả kinh tế không cao, trong khi đó nhu cầu của người dân sử dụng rau, củ, quả hàng ngày rất lớn, anh Nguyễn Hữu Thịnh đã xây dựng cơ sở sản xuất rau an toàn Tâm An Farm tại vùng rau Phú Sơn Nam, xã Hòa Khương để thực hiện mô hình sản xuất các mặt hàng nông sản an toàn phân phối đến tận tay người tiêu dùng. Mô hình này, bước đầu mang lại hiệu quả mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp tại Đà Nẵng. 
 
Theo anh Nguyễn Hữu Thịnh, Chủ cơ sở rau an toàn Tâm An Farm, hiện nay phần lớn nông dân vẫn sản xuất manh mún, nhỏ lẻ dẫn đến sản phẩm không đồng đều về giống, chất lượng và độ an toàn thực phẩm chưa cao. Đầu ra cho sản phẩm không ổn định đã khiến người sản xuất không mặn mà với quy trình sản xuất nông sản sạch.
 
Từ năm 2014, anh Thịnh đã bắt tay vào xây dựng cơ sở rau an toàn Tâm An Farm để cung cấp nông sản sạch đến tận tay người tiêu dùng theo chuỗi từ sản xuất, kinh doanh đến cung ứng nông phẩm sạch. 
 
Ban đầu, cơ sở sản xuất an toàn Tâm An Farm được xây dựng trên diện tích 3 ha tại vùng rau Phú Sơn Nam (huyện Hòa Vang). Anh Thịnh đã tập trung sản xuất các loại rau ngắn ngày dễ tiêu thụ như rau xà lách, rau dền, rau muống, mồng tơi, mướp, dưa leo... Để giảm sức, ngày công lao động, anh Thịnh đã đưa các thiết bị cơ giới hóa như máy xới, máy lên luống, hệ thống tưới phun, hệ thống tưới nhỏ giọt, khung vòm nhà lưới vào sản xuất. 
 
Mặt khác, để tạo thuận lợi cho quá trình sản xuất, anh đã lắp đặt hệ thống camera phục vụ công tác quản lý, giám sát sản xuất và sản phẩm ngay tại vùng rau. Đây là bước tiến mới trong ứng dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất nông nghiệp. 
 
Đầu năm 2015, cơ sở chính thức đi vào hoạt động, chỉ sau hơn 3 tháng trồng thử nghiệm, anh Thịnh đã gặt hái được những quả ngọt đầu tiên. Qua các kênh phân phối, nông sản thu hoạch đến đâu tiêu thụ hết đến đó, được tiêu thụ trong ngày nên nông sản đảm bảo được độ tươi và chất dinh dưỡng đến tay người tiêu dùng. Tháng 10/2016, cơ sở sản xuất rau an toàn Tâm An Farm của anh Thịnh đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chứng nhận tiêu chuẩn VietGap. 
 
Nhận thấy hiệu quả từ mô hình đem lại, đến nay, cơ sở sản xuất rau an toàn Tâm An Farm đã mở rộng lên diện tích trên 5 ha, mỗi năm cung cấp ra thị trường hành trăm tấn rau, củ, quả các loại với lợi nhuận hàng trăm triệu đồng; đồng thời, giải quyết việc làm cho 10 lao động tại địa phương, với mức thu nhập từ 3,5 triệu đến 5 triệu đồng/người/tháng.
 
Đẩy mạnh thu hút đầu tư
 
Hiện thành phố Đà Nẵng đã phê duyệt quy hoạch 7 vùng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tập trung vào sản xuất rau an toàn, chăn nuôi gia súc gia cầm, sản xuất nấm thương phẩm và dược liệu. Đến nay, các mô hình trong vùng quy hoạch nông nghiệp công nghệ cao tại xã Hòa Ninh, Hòa Phú, huyện Hòa Vang bước đầu đã được triển khai. 

Đà Nẵng
Một mô hình trồng hoa lan công nghệ cao. Ảnh: Nguyễn Thành - TTXVN
 
Ông Đặng Phú Hành - Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho biết, Hòa Vang là địa phương có diện tích đất nông nghiệp lớn nhất thành phố với gần 65 ha, chiếm 90% diện tích. Những năm qua, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện có những bước phát triển vượt bậc, năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi và thủy sản không ngừng được nâng lên, nhất là có sự chuyển biến tích cực từ sản xuất nhỏ lẻ theo kiểu truyền thống sang sản xuất theo hướng hàng hóa. 
 
Trên địa bàn huyện đã hình thành được 21 mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; trong đó có 9 mô hình trồng hoa, 5 mô hình sản xuất rau, 3 mô hình chăn nuôi, 3 mô hình ăn quả và 1 mô hình trồng nấm. Hàng năm, ngành nông nghiệp huyện cung cấp ra thị trường gần 20.000 tấn rau, 1.200 tấn thủy sản và gần 1 triệu con gia cầm các loại. 
 
Theo ông Đặng Phú Hành, mặc dù Hòa Vang rất có tiềm năng trong phát triển ứng dụng công nghệ cao nhưng hiện nay việc thu hút đầu tư còn hạn chế bởi sản xuất đòi hỏi vốn lớn, lực lượng lao động có trình độ quản lý và tay nghề cao nên các tổ chức, cá nhân, không dám mạo hiểm. Mặt khác, sản xuất nông nghiệp có nhiều rủi ro, trong khi giá thành sản phẩm thường cao hơn so với sản phẩm nông nghiệp thông thường, thị trường tiêu thụ thiếu ổn định.
 
Do đó, các tổ chức, cá nhân chưa mặn mà trong việc đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nên việc nhân rộng các mô hình gặp nhiều khó khăn. 
 
Thời gian tới, Hòa Vang sẽ đẩy nhanh tiến độ quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm đảm bảo tính ổn định lâu dài về đất đai; khuyến khích, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân bỏ vốn đầu tư kinh doanh, xây dựng vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được hưởng ưu đãi theo quy định của pháp luật về đất đai đối với đất sản xuất, xây dựng các cơ sở dịch vụ phát triển nông nghiệp công nghệ cao. 
 
Bên cạnh đó, huyện sẽ chú trọng đào nâng cao trình độ, năng lực cán bộ chuyên môn về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; nghiên cứu, tiếp thu và ứng dụng các công nghệ hiện đại để đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp theo quy trình ứng dụng công nghệ cao phù hợp với điều kiện sản xuất. Trước mắt, trong năm 2018, UBND huyện sẽ phân bổ hơn 7 tỷ đồng để hỗ trợ sản xuất, nâng cao an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp. 
 
Đối với việc chuyển giao ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng Vũ Thị Bích Hậu cho biết, thời gian tới, Đà Nẵng sẽ tiếp tục ưu tiên đầu tư thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm nông nghiệp của thành phố; đẩy mạnh phổ biến, chuyển giao và ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học và thực tế, đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. 
 
Cùng đó, Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng sẽ tiếp tục hỗ trợ các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp được tiếp cận với các chương trình khoa học và công nghệ quốc gia liên quan đến nông nghiệp nông thôn và ứng dụng công nghệ cao như: Chương trình Nông thôn miền núi; Chương trình Nông thôn mới; Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ của thành phố. 
 
Để tạo cơ chế khuyến khích đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, HĐND thành phố đã ban hành Nghị quyết 104/2017/NQ về chính sách khuyến khích đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. 
 
Theo đó, doanh nghiệp khi đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố sẽ được hỗ trợ 50% chi phí giải phóng mặt bằng nhưng không quá 3 tỷ đồng/dự án; hỗ trợ 50% chi phí đầu tư hạ tầng cơ sở sản xuất nhưng không quá 2 tỷ đồng/dự án; hỗ trợ 50% chi phí đầu tư nhưng tối đa không quá 1 tỷ đồng/mô hình sản xuất rau, hoa, cây ăn quả../.
 
Theo TTXVN
BÌNH LUẬN FACEBOOK
TIN LIÊN QUAN

Tập đoàn TH xây dựng Khu nông nghiệp Công nghệ cao ven sông Hồng - Hà Nội   (23/07/2020)

Thanh Hóa: U70 trồng dưa vàng công nghệ cao, ngay vụ đầu đã có gần 50 triệu   (05/06/2020)

Vì sao ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp TP. Hồ Chí Minh còn thấp?   (27/05/2020)

Nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam sẽ bứt phá nhờ EVFTA   (22/05/2020)

Tín dụng tiếp sức cho nông nghiệp công nghệ cao   (15/05/2020)

Làm nông nghiệp công nghệ cao nông dân thu 9 tỷ đồng/ha   (29/04/2020)

Sokfarm - sản phẩm mật hoa dừa lần đầu tiên được sản xuất ở Việt Nam   (13/03/2020)

Thịt nhân tạo: Xu hướng gây tranh cãi   (15/10/2019)

Hiện thực ước mơ thực phẩm sạch từ một chủ trương đúng   (02/01/2018)

Thị trường nông nghiệp hữu cơ: Doanh nghiệp khó sống vì "vàng thau" lẫn lộn   (29/12/2017)

THƯƠNG HIỆU TIN DÙNG