Loading...

Hotline: 0905.329.019

Dạy học trên truyền hình cho học sinh cuối cấp

13/03/2020

Nhằm tạo điều kiện cho học sinh cuối cấp THCS và THPT bắt kịp chương trình học tập trước các kỳ thi quan trọng, từ ngày 9-3, Sở Giáo dục và Ðào tạo Hà Nội phối hợp Ðài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội chính thức triển khai chương trình dạy học trên truyền hình cho gần 200 nghìn học sinh lớp 9 và lớp 12 của TP Hà Nội.

Dạy học trên truyền hình cho học sinh cuối cấp
Học sinh học môn tiếng Anh qua kênh sóng của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội.

Do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, học sinh các cấp, từ mầm non đến THPT tại Hà Nội vẫn tiếp tục nghỉ học để phòng tránh lây lan dịch bệnh. Ðiều này đang gây lo lắng cho phụ huynh, học sinh, nhất là các em học sinh lớp 9 đang chuẩn bị bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10, học sinh lớp 12 chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia. Việc Sở Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) Hà Nội triển khai chính thức chương trình dạy học trên truyền hình cho học sinh hai khối này khiến phụ huynh yên tâm hơn, các em học sinh hào hứng khi có thể cập nhật kiến thức mới, thay vì chỉ ôn lại kiến thức cũ qua hình thức trực tuyến, hoặc qua hướng dẫn gián tiếp của các giáo viên qua email, điện thoại hay mạng xã hội trong thời gian vừa qua.

Ðể triển khai chương trình này, Sở GD và ÐT Hà Nội đã phối hợp Ðài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội xây dựng kế hoạch dạy học qua truyền hình với nội dung ôn tập kiến thức cũ và dạy thêm kiến thức mới. Các bài giảng là các bài tiếp nối trong chương trình lớp 9 và lớp 12 năm học 2019 - 2020 do các giáo viên giàu kinh nghiệm và có chuyên môn cao giảng dạy sẽ góp phần củng cố kiến thức, kỹ năng cho học sinh trước các kỳ thi tuyển sinh và tốt nghiệp THPT quốc gia năm học 2020 - 2021.

Với tâm trạng sốt ruột vì con nghỉ ở nhà dài ngày, chị Phạm Thùy Linh, phụ huynh học sinh Trường THPT Trương Ðịnh (quận Hoàng Mai) cho biết, trong buổi học đầu tiên phát trên kênh của Ðài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, chị đã dành thời gian theo dõi buổi học cùng con. "Tôi thấy nội dung bài giảng rất hay, Sở GD và ÐT Hà Nội đã chọn những giáo viên kinh nghiệm, có chuyên môn cao để giảng bài. Ðiều này khá mới mẻ với các con khi được nghe giáo viên đến từ nhiều trường với nhiều phương pháp dạy học khác nhau", chị Linh chia sẻ.

Thầy Lê Viết Dương, Hiệu trưởng Trường THPT Trương Ðịnh cho biết, nhà trường cũng được lựa chọn giáo viên tham gia biên soạn và giảng dạy trên truyền hình đối với học sinh lớp 12 của Hà Nội. Việc tuyển chọn giáo viên được Sở GD và ÐT yêu cầu cao về trình độ chuyên môn, bởi giáo án dạy trên truyền hình phải đổi mới cho phù hợp với hình thức truyền tải tới học sinh. Thầy Dương cho biết: Toàn bộ học sinh lớp 12 của trường đã được cập nhật thông tin. Nhà trường cũng lên kế hoạch, giao nhiệm vụ cho các tổ chuyên môn bám sát tiến độ bài giảng trên truyền hình để đôn đốc, kiểm tra kết quả học tập của học sinh, bảo đảm việc học tập có hiệu quả.

Ðánh giá đây là hình thức học tập hỗ trợ tốt cho học sinh lớp 12 trong thời điểm nghỉ học kéo dài như hiện nay, Trường THPT Yên Hòa, quận Cầu Giấy đã có kế hoạch chi tiết tới từng giáo viên, yêu cầu tất cả học sinh lớp 12 tích cực tham gia học và hoàn thiện sản phẩm học ngay sau khi Sở GD và ÐT Hà Nội yêu cầu triển khai học trên truyền hình.

"Ðể việc học tập được hiệu quả, nhà trường giao nhiệm vụ cho giáo viên chủ nhiệm lớp 12, giáo viên trưởng bộ môn và giáo viên bộ môn đôn đốc, nhắc nhở học sinh tích cực làm bài tập, câu hỏi khi các thầy, cô giáo bộ môn giao và hoàn thành sản phẩm học tập theo lịch của các thầy, cô giáo; khuyến khích và động viên kịp thời những học sinh tích cực, chủ động trong học và làm bài tập, đồng thời thông tin tới cha mẹ học sinh về tình hình học và làm bài tập", Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa Nguyễn Thị Nhiếp cho biết. Trường này cũng yêu cầu giáo viên các bộ môn gửi hệ thống câu hỏi bài tập, kiểm tra tới tất cả học sinh trong lớp và thu lại sản phẩm học tập của học sinh để theo dõi việc học và nâng cao hiệu quả của việc học trên truyền hình.

Với học sinh THCS lại đòi hỏi giáo viên phải có các biện pháp quản lý, hỗ trợ để các em theo sát chương trình và thu nhận kiến thức hiệu quả. Hiệu trưởng Trường THCS Tân Ðịnh (quận Hoàng Mai) Chu Thị Xuân Hường cho biết, hình thức học tập này khá thuận tiện khi các gia đình đều có thể triển khai mà không cần thiết bị công nghệ như học trực tuyến. Ðể nắm bắt được quá trình tham gia chương trình học của mỗi học sinh, nhà trường yêu cầu tất cả giáo viên dạy Văn, Toán, Anh khối 9 phải theo dõi đầy đủ các buổi dạy bộ môn của mình trên truyền hình, có ghi chép nội dung bài học. Từ đó, các thầy, cô lập hệ thống câu hỏi, bài tập phù hợp nội dung bài dạy gửi cho học sinh, yêu cầu học sinh làm và gửi kết quả bài tập cho giáo viên để chữa bài.

Ðối với học sinh, nhà trường yêu cầu các em tham dự đầy đủ tất cả các buổi dạy học trên truyền hình, ghi chép vào vở nội dung bài học. Chụp ảnh học sinh theo dõi buổi dạy trên truyền hình, gửi cho giáo viên chủ nhiệm sau từng buổi học, đồng thời làm và gửi các bài tập cho giáo viên bộ môn. Ðược biết, ngay trong ngày đầu triển khai chương trình học trên truyền hình của Hà Nội, tỷ lệ học sinh lớp 9 của Trường THCS Tân Ðịnh tham gia học trên truyền hình đạt 82%. Hy vọng rằng, hình thức dạy học qua truyền hình góp phần củng cố kiến thức cho các em học sinh, nhất là học sinh cuối cấp, trước khi bước vào những kỳ thi quan trọng.

Theo Nhandan
BÌNH LUẬN FACEBOOK
TIN LIÊN QUAN

965 học bổng Chính phủ Liên bang Nga năm 2020   (13/05/2020)

Cô gái vàng Vật lý nhận học bổng 7 tỷ từ ngôi trường hàng đầu nước Mỹ   (07/05/2020)

Bộ GD-ĐT sẽ hỗ trợ các trường đăng ký xét tuyển và lọc ảo theo nhóm trường   (05/05/2020)

Học sinh trở lại trường sau Covid-19: Chia đôi lớp học để thực hiện giãn cách   (28/04/2020)

Yêu cầu trong quy hoạch cơ sở giáo dục nghề nghiệp   (12/09/2019)

Startup giáo dục Việt gọi vốn thành công 4 triệu USD   (27/08/2019)

Thông tin "Hàn Quốc chính thức ngừng nhận du học sinh Việt Nam từ 2018" là hoàn toàn giả mạo   (11/01/2018)

Săn học bổng du học   (11/01/2018)

Du học sinh 'nói thật', phụ huynh Việt đau đầu   (11/01/2018)

Quốc gia nào có chi phí du học rẻ và đắt nhất thế giới?   (11/01/2018)

THƯƠNG HIỆU TIN DÙNG