Loading...

Hotline: 0905.329.019

Vải thiều chính danh sang Nhật

11/05/2020

Đã có gần 30 năm gắn bó với cây vải thiều nên anh Phạm Văn Dũng (xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) không giấu được vui mừng khi nghe tin vải thiều của Việt Nam chính thức được phép xuất khẩu (XK) sang Nhật Bản. Cây vải mới đang ở giai đoạn ủ hoa, nhưng với nhiều người nông dân huyện Lục Ngạn, mùa vải năm nay, dự báo sẽ "ngọt" hơn rất nhiều.

 Tin vui từ xứ sở Hoa anh đào

Mùa hè năm 2019, chị Thanh người Việt đang định cư ở Nhật Bản gửi cho tôi tấm hình chụp mấy trái vải Đài Loan nhỏ nhỏ, kèm theo lời nhắn: "Giá tại các siêu thị Nhật tầm 400-500 Yên/ hộp 7-8 quả (khoảng 100.000 đồng Việt Nam). Nghĩ mà xót xa cho quả vải và người trồng vải Việt Nam".
 
Cũng theo lời chị Thanh, vải Đài Loan bán khá nhiều ở các chợ đầu mối, siêu thị Nhật Bản, giá trung bình khoảng 400.000 - 500.000 đồng/kg, ăn ngon như vải Việt Nam, nhưng mẫu mã thì không đẹp bằng. Chị Thanh cũng đã nhiều lần tìm mua vải tươi của Việt Nam ở thị trường Nhật mà không thấy… 

Vải thiều chính danh sang Nhật
 
Đau đáu với câu chuyện chị Thanh kể, nên khi hay tin Bộ Nông lâm Ngư nghiệp của Nhật Bản (MAFF) thông báo mở cửa cho quả vải thiều Việt Nam XK trực tiếp sang Nhật Bản – tôi thấy vui cùng những người nông dân trồng vải.
 
Nhấc máy điện thoại gọi cho ông Cao Văn Hoàn – Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, ông hồ hởi: "Phấn khởi lắm nhà báo à. Nhật Bản đặt ra các tiêu chuẩn rất cao, từ vùng trồng, đóng gói đến xử lý xông hơi, khử trùng… nhưng Lục Ngạn đã sẵn sàng".
 
Theo ông Cao Văn Hoàn, Lục Ngạn có 218 ha diện tích đất trồng vải đạt tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP (sản lượng khoảng 2.000 tấn vải), nên trước mắt tiếp tục duy trì áp dụng mô hình sản xuất hữu cơ ở các diện tích này. Quy trình, kỹ thuật sản xuất đã được nhiều hộ trồng vải nắm rõ, giờ chỉ điều chỉnh phần đóng gói và xử lý theo đúng quy định về kiểm dịch thực vật của Nhật Bản. Hiện cây vải đang ở giai đoạn ủ hoa, Sở Công Thương Bắc Giang và huyện Lục Ngạn đang bắt đầu chỉ đạo tổ chức sản xuất theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; song song với đó, triển khai xúc tiến hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp XK, giúp bà con đưa trái vải đến với thị trường Nhật Bản được nhiều nhất.
 
Tôi hiểu niềm vui cũng như sự tự tin của ông Cao Văn Hoàn, bởi thực tế, vải thiều Lục Ngạn đã XK tới 30 quốc gia trên thế giới, trong đó có nhiều thị trường có tiêu chuẩn gắt gao như: EU, Nga, Mỹ, Canada... Tuy nhiên, được chấp nhận vào xứ xở Hoa anh đào – một trong những quốc gia có quy định về kiểm dịch vệ sinh an toàn thực phẩm ngặt nghèo nhất trên thế giới - thì vẫn là một tin vui đặc biệt.
 
5 năm cho những mùa quả ngọt
 
Lần theo danh sách các địa phương có vùng trồng vải đạt tiêu chuẩn GlobalGAP ở Lục Ngạn, tôi tìm đến Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Sản xuất và Kinh doanh dịch vụ tổng hợp Hồng Xuân tại thôn Kép, xã Hồng Giang. Cả một vùng trồng vải, cây nào cây ấy xanh tươi, xòe tán rộng, lối đi vào các vườn vải được quy hoạch khoa học, sạch sẽ…
 
Vẫn còn sớm, nhưng anh Phạm Văn Dũng - Giám đốc HTX Hồng Xuân đã đi một vòng thăm vườn vải về. Là HTX sản xuất cây ăn quả đầu tiên của miền Bắc có 12,7 ha diện tích trồng vải được cấp chứng nhận GlobalGAP (năm 2013), nên 18 thành viên của HTX không chỉ vui mà còn rất tự tin chuẩn bị cho những tấn vải đầu tiên XK sang Nhật Bản. Hơn tất cả, sau nhiều năm trồng vải XK, người trồng vải ở Hồng Giang hiểu rằng: Cùng một diện tích, nhưng vải XK cho giá trị cao gấp nhiều lần. Chưa kể, sản lượng ít nhưng giá trị cao sẽ hạn chế những tác động không có lợi từ việc cân đong, vận chuyển, tập trung đông người.

Vải thiều chính danh sang Nhật
Vải thiều chính danh sang Nhật
 
"Năm 2011, sau khi được tập huấn, hiểu rõ tác dụng, tác hại của phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, các thành viên HTX Hồng Xuân bắt đầu áp dụng sản xuất sạch. Ban đầu chưa nghĩ đến XK, đơn giản là làm đúng để bảo vệ mình, bảo vệ người tiêu dùng. Thật may, đây chính là nền tảng để HTX đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, được cấp tem truy xuất nguồn gốc, đến được với hệ thống các siêu thị trong nước, tiếp đó là các thị trường khó tính như: Mỹ, Úc, Pháp…" – anh Dũng chia sẻ.
 
Với thị trường Nhật Bản, anh Dũng cho rằng, không có gì phải lo ngại vì một số HTX ở Lục Ngạn đã tham gia XK nhiều năm nay, quy trình trồng rất đảm bảo, hoạt động XK cũng đã nắm rõ. Hơn thế, theo kinh nghiệm của anh Dũng, diễn biến thời tiết năm nay cũng tương đối thuận lợi cho cây vải phát triển, đa phần các vườn vải đang xanh, đẹp. "Chúng tôi đã có cả 5 năm để chuẩn bị, nên vấn đề hiện nay mà HTX quan tâm là, mong sớm được tập huấn, thông tin về yêu cầu của Nhật Bản đối với vải XK để triển khai".
 
Ông Cao Văn Hoàn – Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn:
XK sang Nhật Bản rất thuận lợi. Ngoài đường hàng không, có thể sử dụng tàu biển mà vẫn đảm bảo trái vải được tươi ngon, chi phí lại giảm. Những năm trước, mỗi năm cũng có khoảng 5-6 tấn vải thiều Lục Ngạn XK sang Nhật Bản - nhưng là vải đông lạnh, nay XK được vải tươi thì sẽ ngon hơn rất nhiều.
 
Theo Baocongthuong
 
BÌNH LUẬN FACEBOOK
TIN LIÊN QUAN

Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2021 được định giá 388 tỷ USD, xếp hạng 33 thế giới   (28/04/2022)

Lan tỏa Thương hiệu quốc gia trong thách thức   (20/05/2020)

Sức hút khó cưỡng từ bom tấn đổi cũ lấy mới của hãng xe Việt   (18/05/2020)

Hai sân bay của Việt Nam được vinh danh trong TOP 100 sân bay tốt nhất   (13/05/2020)

Viettel đứng đầu thương hiệu viễn thông Đông Nam Á   (05/05/2020)

Doanh nghiệp bất động sản “đau đầu” vì bị nhái tên thương hiệu   (17/01/2020)

Nestlé Việt Nam tái định vị Thương hiệu Nhà tuyển dụng để thu hút tài năng trẻ   (28/09/2019)

Hết thời tam hùng tranh bá, 3 ông lớn phân phối một thời FPT Trading, PSD và Digiworld đang 'sống' ra sao?   (08/12/2017)

THƯƠNG HIỆU TIN DÙNG