Loading...

Hotline: 0905.329.019

Nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam sẽ bứt phá nhờ EVFTA

22/05/2020

Việt Nam có cơ hội chuyển đổi mạnh mẽ sang nền nông nghiệp công nghệ cao nếu tận dụng tối đa những lợi ích từ EVFTA. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp Việt phải thực sự nỗ lực mới có thể vượt qua những hàng rào kỹ thuật của EU.

 Nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam sẽ bứt phá nhờ EVFTA
 
EVFTA sẽ là động lực để Việt Nam đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh: T.L.
 
Hưởng lợi lớn từ EVFTA
 
Nông nghiệp được dự báo là một trong những ngành được hưởng lợi lớn từ Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA). Khi EVFTA có hiệu lực, nhiều mặt hàng của Việt Nam sẽ được giảm thuế về 0% như: gạo tấm, các sản phẩm từ hạt… Đối với mặt hàng rau củ quả, EU cũng cam kết xóa bỏ thuế khi EVFTA có hiệu lực.
 
Đối với thủy sản, khoảng 50% số dòng thuế sẽ được xóa bỏ, 50% dòng thuế còn lại cũng sẽ được bỏ trong lộ trình 5 - 7 năm.
 
Theo dự báo, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của một số ngành nông sản sẽ tăng đáng kể cho tới năm 2025 nhờ EVFTA, như gạo (tăng thêm 65% vào năm 2025), đường (8%), thịt lợn (4%), lâm sản (3%), thịt gia súc gia cầm (4%), đồ uống và thuốc lá (5%).
 
Không chỉ giảm thuế đối với các mặt hàng cụ thể, EU còn có cơ chế bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam như vải Thanh Hà, vải Lục Ngạn, chè Tân Cương, nho Ninh Thuận, xoài Hòa Lộc, quýt Bắc Cạn, gạo Hải Hậu… Đây là một trong những điều kiện thuận lợi để nông sản Việt khẳng định được thương hiệu trên thị trường thế giới.
 
Một cơ hội khác mà EVFTA mang lại cho ngành nông nghiệp Việt Nam là việc thu hút các dự án đầu tư trong lĩnh vực này. Nguồn lực mạnh mẽ từ bên ngoài kết hợp cùng nguồn lực trong nước sẽ giúp chuyển giao công nghệ, cách thức tổ chức sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp. Từ đó sản lượng, chất lượng nông sản được nâng cao, tiến dần tới các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường châu Âu.
 
Ở khía cạnh khác, việc hội nhập sâu rộng cũng tạo thêm nhiều việc làm, giúp người nông dân chuyển đổi từ nông nghiệp sang các lĩnh vực khác, góp phần cải thiện đời sống.

Cần chuyển đổi mạnh mẽ

Nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam sẽ bứt phá nhờ EVFTA

Ứng dụng công nghệ blockchain sẽ giúp thay đổi bộ mặt của nền nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: T.L.

Tuy nhiên, để nắm bắt được các cơ hội từ EVFTA không phải là dễ dàng. Cửa đã mở nhưng để có thể thông hành, hàng nông sản của ta còn cần phải vượt qua nhiều rào cản như hàng rào kỹ thuật của EU về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm, hay vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ…
 
Trao đổi với Doanh Nhân Trẻ, chuyên gia Nguyễn Hoàng Phương, cán bộ nông nghiệp Phát triển tiêu chuẩn nông nghiệp VietFarm (Trung tâm Phát triển và Hội nhập CDI) cho biết, thị trường quốc tế ngày càng yêu cầu cao trong vấn đề minh bạch thông tin về sản phẩm nông sản.
 
“Một số thị trường yêu cầu minh bạch đến cả giống cây, chứ không dừng lại ở việc minh bạch về vùng trồng, hàm lượng chất bảo quản… Muốn xuất sang các nước EU, trước hết phải chứng minh được diện tích đất trồng, số lượng cây trồng, dự tính sản lượng thu hoạch để đảm bảo nguồn cung, sau mới đến các tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm”, ông Phương cho biết.
 
Theo ông Nguyễn Hoàng Phương, nông nghiệp công nghệ cao – nông nghiệp 4.0 là nền nông nghiệp được minh bạch bằng công nghệ và sự minh bạch đó được giám sát bởi công nghệ. Hiện nay, ứng dụng công nghệ blockchain trong sản xuất nông nghiệp và truy xuất nguồn gốc sản phẩm là lời giải cho bài toán này.
 
Với doanh nghiệp, ứng dụng công nghệ blockchain vào sản xuất có thể kiểm soát được toàn bộ chuỗi sản xuất, khâu nào đang hợp lý, khâu nào có thể tiết kiệm. Từ đó, doanh nghiệp sắp xếp lại chuỗi sản xuất hợp lý hơn và lợi nhuận trong chuỗi sẽ tăng lên.
 
Với người tiêu dùng, khi sử dụng sản phẩm thông qua truy xuất nguồn gốc blockchain biết được sản phẩm sản xuất từ đâu, lúc nào, trang trại nào, sản xuất theo phương thức nào… Công nghệ blockchain ứng dụng trong truy xuất nguồn gốc chính là lời cam kết cho người sản xuất, người trồng đến người tiêu dùng.
 
“Truy xuất nguồn gốc blockchain là con đường tất yếu của nông nghiệp. Nếu nông sản Việt Nam không minh bạch thông tin sẽ yếu thế ngay cả trong thị trường trong nước và sẽ tiếp tục phải kêu gọi giải cứu nông sản như thời gian vừa qua”, ông Phương nhấn mạnh.
 
Theo các chuyên gia, công nghệ blockchain có nhiều tiềm năng ứng dụng trong nhiều lĩnh vực cả khu vực công lẫn khu vực tư, góp phần minh bạch hóa các thông tin về tài sản, giao dịch; chống sự tấn công, mất hay chỉnh sửa dữ liệu. Tuy nhiên, hiện khung pháp lý cho công nghệ blockchain chưa rõ ràng, còn nhiều vướng mắc khiến các doanh nghiệp công nghệ e ngại.
 
Vì vậy, để tránh tình trạng doanh nghiệp Việt Nam phải đầu tư, khởi nghiệp tại quốc gia khác có hạ tầng pháp lý tốt hơn gây thất thoát nguồn vốn, nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam; Nhà nước cũng cần thực hiện các chính sách ưu đãi thuế, tín dụng cho các doanh nghiệp công nghệ, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa…

 
Theo thegioitiepthi.vn
BÌNH LUẬN FACEBOOK
TIN LIÊN QUAN

Tập đoàn TH xây dựng Khu nông nghiệp Công nghệ cao ven sông Hồng - Hà Nội   (23/07/2020)

Thanh Hóa: U70 trồng dưa vàng công nghệ cao, ngay vụ đầu đã có gần 50 triệu   (05/06/2020)

Vì sao ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp TP. Hồ Chí Minh còn thấp?   (27/05/2020)

Tín dụng tiếp sức cho nông nghiệp công nghệ cao   (15/05/2020)

Làm nông nghiệp công nghệ cao nông dân thu 9 tỷ đồng/ha   (29/04/2020)

Sokfarm - sản phẩm mật hoa dừa lần đầu tiên được sản xuất ở Việt Nam   (13/03/2020)

Thịt nhân tạo: Xu hướng gây tranh cãi   (15/10/2019)

Đà Nẵng "hút" đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao   (03/01/2018)

Hiện thực ước mơ thực phẩm sạch từ một chủ trương đúng   (02/01/2018)

Thị trường nông nghiệp hữu cơ: Doanh nghiệp khó sống vì "vàng thau" lẫn lộn   (29/12/2017)

THƯƠNG HIỆU TIN DÙNG