Loading...

Hotline: 0905.329.019

Cân nhắc áp dụng tiêu chuẩn VietGap cho gạo xuất khẩu

14/12/2017

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang lấy ý kiến các chuyên gia nông nghiệp để xây dựng thương hiệu cho gạo xuất khẩu của Việt Nam. Theo đó, gạo xuất khẩu muốn được dán nhãn Thương hiệu Quốc gia phải được trồng theo tiêu chuẩn VietGaP hoặc tương đương.

 Hiện nay, gạo xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu nằm trong phân khúc chất lượng thấp, trung bình. Mặc dù lượng gạo được xuất khẩu hàng năm nhiều, từ 5-7 triệu tấn/năm, nhưng lượng ngoại tệ thu về lại ít hơn các nước đã xây dựng được thương hiệu gạo khác như: Thái Lan, Ấn Độ… Đồng thời, gạo Việt Nam cũng chịu sức ép cạnh tranh lớn từ thương hiệu gạo của các nước này. Do vậy, việc đẩy nhanh việc xây dựng thương hiệu gạo là một trong những giải pháp cấp bách của ngành nông nghiệp. 
 
Cân nhắc áp dụng tiêu chuẩn VietGap cho gạo xuất khẩu
Việt Nam chủ yếu xấu khẩu gạo thô, chưa có thương hiệu. Ảnh: TTXVN

Theo ông Võ Thành Đô, Phó Phó Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT), xây dựng nhãn hiệu chứng nhận Quốc gia Gạo Việt Nam (Vienam Rice) sẽ đẩy mạnh quảng bá sản phẩm gạo Việt Nam, tạo niềm tin và uy tín của sản phẩm với người tiêu dùng. Từ đó, có thể nâng cao năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm gạo của Việt Nam trên thị trường thế giới.
 
Một trong những điểm đáng chú ý của dự thảo quy chế là điều kiện để sản phẩm gạo được sử dụng nhãn hiệu chứng nhận quốc gia, đó là gạo trong nước phải áp dụng theo tiêu chuẩn VietGap hoặc các tiêu chuẩn tương đương. Quy định này nhằm đảm bảo sản phẩm gạo có đặc tính và chất lượng ổn định, đáp ứng các chỉ tiêu chất lượng theo quy định và truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. 
 
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn – Tổng Công ty Lương thực miền Bắc, việc áp dụng tiêu chuẩn VietGap trong trồng lúa là quan trọng, cần khuyến khích. Tuy nhiên, trên thực tế, việc tìm nguyên liệu của Vinafood 1 tương đối khó khăn. Vì qua 3 năm triển khai, vùng lúa trồng theo VietGap là rất ít.
 
Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Đức Cường, Công ty TNHH chế biến nông sản TPXK Tường Lân cho rằng, nhiều vùng ở Việt Nam chưa có đủ diện tích lúa trồng theo tiêu chuẩn Vietgap do điều kiện sản xuất manh mún. Do vậy, nên khuyến khích phương thức này nhưng không thể bắt buộc vì thực tế không đáp ứng được.
 
Về phía Bộ NN&PTNT, ông Võ Thành Đô thừa nhận, một DN làm ra 400.000 tấn gạo sẽ cần tương đương với 80.000 ha vùng nguyên liệu. Không dễ để có đủ diện tích cần thiết. Do vậy, các DN không muốn sử dụng tiêu chuẩn VietGap. Bởi nếu tương ứng với sản lượng xuất khẩu thì diện tích vùng quy hoạch VietGap hiện nay là không đủ. 
 
Nhằm tháo gỡ khó khăn này, ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục trồng trọt cho rằng, Quy chế về nhãn hiệu Gạo Việt Nam không nên quy định “cứng” là sản phẩm đạt VietGap mà chỉ nên đưa vào là sản phẩm thực hành nông nghiệp tốt (GAP) nói chung.
 
Cân nhắc áp dụng tiêu chuẩn VietGap cho gạo xuất khẩu
Xuất khẩu gạo năm 2017 của Việt Nam tăng mạnh. Ảnh: TTXVN
Ông Định lý giải,  ở Việt Nam, tại nhiều vùng trồng lúa, các chỉ số về đất và nước nằm trong ngưỡng cho phép để áp dụng kỹ thuật GAP. Bên cạnh đó, có thể áp dụng tiêu chuẩn về sản phẩm nông sản an toàn TCVN:11892/12017 mới được ban hành để thay thế, đánh giá chất lượng gạo Việt.
 
Theo dự thảo Quy chế, các loại gạo mang nhãn hiệu chứng nhận phải là gạo trắng, gạo thơm trắng và gạo nếp trắng được trồng tại các vùng được Nhà nước quy hoạch và đáp ứng các yêu cầu về chất lượng theo quy định. 
 
Tuy nhiên, ông Phan Văn Hòa – Giám đốc Công ty TNHH Khoa học công nghệ Vĩnh Hòa cho rằng, các giống lúa gạo của Việt Nam hiện nay, ngay cả gạo nếp và gạo thơm đều có nhiều màu khác nhau nên việc quy định chỉ cấp chứng nhận cho gạo có màu trắng là thu hẹp lại các sản phẩm nội địa, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của thị trường.
 
Liên quan tới vấn đề này, ông Võ Thành Đô cho biết, hiện nay các giống lúa có màu hiện không nhiều, quy chế này trước mắt để phục vụ xuất khẩu theo Đề án của Chính phủ nên chỉ tập trung vào 3 nhóm gạo trên. 
 
Gạo cũng là một trong những mặt hàng có tốc độ tăng trưởng cao trong thời gian qua. Khối lượng gạo xuất khẩu tháng 11 năm 2017 ước đạt 389.000 tấn với giá trị đạt 192 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 11 tháng đầu năm 2017 ước đạt 5,49 triệu tấn và 2,48 tỷ USD, tăng 23,4% về khối lượng và tăng 24,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2017 với 39,8% thị phần.
 
Theo Báo Tin tức
BÌNH LUẬN FACEBOOK
TIN LIÊN QUAN

Tập đoàn TH xây dựng Khu nông nghiệp Công nghệ cao ven sông Hồng - Hà Nội   (23/07/2020)

Thanh Hóa: U70 trồng dưa vàng công nghệ cao, ngay vụ đầu đã có gần 50 triệu   (05/06/2020)

Vì sao ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp TP. Hồ Chí Minh còn thấp?   (27/05/2020)

Nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam sẽ bứt phá nhờ EVFTA   (22/05/2020)

Tín dụng tiếp sức cho nông nghiệp công nghệ cao   (15/05/2020)

Làm nông nghiệp công nghệ cao nông dân thu 9 tỷ đồng/ha   (29/04/2020)

Sokfarm - sản phẩm mật hoa dừa lần đầu tiên được sản xuất ở Việt Nam   (13/03/2020)

Thịt nhân tạo: Xu hướng gây tranh cãi   (15/10/2019)

Đà Nẵng "hút" đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao   (03/01/2018)

Hiện thực ước mơ thực phẩm sạch từ một chủ trương đúng   (02/01/2018)

THƯƠNG HIỆU TIN DÙNG