Loading...

Hotline: 0905.329.019

2018 có thu hút được thí sinh giỏi vào sư phạm?

09/01/2018

Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ xác định các mục tiêu phải thực hiện ngay trong năm 2018 là không còn đào tạo dư thừa, không còn cử nhân sư phạm thất nghiệp... Tuy nhiên, có nhiều nhận định cho rằng sẽ rất khó để làm được nếu Chính phủ và Bộ GD-ĐT không có “cú hích” thật sự đủ lớn.

 Dự báo thị trường chứ không phải "đào tạo theo địa chỉ"
 
GS Đào Trọng Thi (nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội) cho rằng hướng tuyển sinh và đào tạo theo đặt hàng của địa phương sẽ khắc phục được việc đào tạo không phù hợp với nhu cầu của xã hội.

2018 có thu hút được thí sinh giỏi vào sư phạm?
Học sinh giỏi Hà Nội trong ngày chuẩn bị vào kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Ảnh: Thanh Hùng
“Các địa phương nắm rất rõ mình cần bao nhiêu giáo viên. Kể cả là quy hoạch 5 năm vẫn có thể tính toán, lên kế hoạch và đưa ra được các con số…" - ông Thi nhận định và lưu ý rằng "Đặt số lượng để dự báo thị trường chứ không phải đào tạo theo địa chỉ. Quan trọng là để có cái nhìn về con số tổng thể, chí ít giải quyết được khâu ra trường có việc làm, không thất nghiệp tràn lan”.
 
Tuy nhiên, thực hiện điều này không hề dễ dàng. “Cái khó không phải là địa phương không nêu được con số mà là giải quyết vấn đề của các trường sư phạm, bởi từ trước tới nay, các trường vẫn đào tạo theo khả năng của mình, đôi khi chỉ để nuôi đội ngũ...
 
Ví dụ, một trường với lượng giảng viên và cơ sở hiện có có thể đào tạo mỗi năm được 100 sinh viên ngành Toán, nhưng nhu cầu các địa phương cộng lại vẫn không đủ 100. Như vậy, nếu thực hiện theo hướng mới sẽ có những giảng viên không có việc làm, trong khi đó có những ngành xã hội cần thì lại không có giảng viên mà đào tạo”.
 
Ông Thi đưa ví dụ xã hội đang thừa giáo viên dạy Địa lý nhưng trường sư phạm có một khoa Địa lý...
 
"Vậy chẳng lẽ năm nay cho cả khoa Địa lý nghỉ việc? Nếu không quyết tâm thì có thể các trường ở địa phương vẫn sẽ tìm cách tuyển cho đủ, thậm chí vẫn giữ lại đào tạo cho địa phương trong khi các trường sư phạm lớn của Trung ương lại không có việc làm".
 
"Bài toán sắp xếp lại các trường sư phạm không bao giờ là dễ bởi liên quan đến con người, chuẩn bị đội ngũ giảng viên…” - ông Thi khẳng định.
 
2018 có thu hút được thí sinh giỏi vào sư phạm?
GS Đào Trọng Thi. Ảnh: Thanh Hùng.
Theo GS Đinh Quang Báo (nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội),  trước mắt chỉ cần đảm bảo ra trường không thất nghiệp thì ngành sư phạm đã đủ hấp dẫn, và thu hút được thí sinh có học lực từ khá trở lên.
 
Ông Cao Xuân Hùng, Giám đốc Sở GD-ĐT Nam Định cho rằng chủ trương điều tiết chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm, chấn chỉnh việc tuyển sinh “vì sự tồn tại” thay bằng “vì quyền lợi sống còn của người học và nhu cầu xã hội” là cần thiết.
 
“Rất ít ngành có thể ước tính được nhu cầu nguồn nhân lực sát thực tế ở từng địa phương và cả nước như ngành sư phạm. Các trường sư phạm tập trung nâng cao chất lượng đào tạo thay vì phát triển số lượng; dừng tuyển sinh sư phạm ở những trường có năng lực thấp. Có thể chuyển nhiệm vụ đào tạo giáo viên bậc trung học ở các trường CĐ sư phạm sang nhiệm vụ bồi dưỡng, đào tạo lại".
 
Theo ông Hùng, việc giải quyết số lượng cử nhân sư phạm chưa có việc làm theo đúng bậc học, ngành học đã được đào tạo là công việc cần nhiều thời gian. 
 
Khó "hút" học sinh giỏi vào sư phạm ngay 2018 
 
Ông Thi nhìn nhận "Nếu chỉ với giải pháp đào tạo qua đặt hàng của các địa phương thì còn quá ít để nói đến chuyện có thể thu hút được những học sinh giỏi nhất vào sư phạm”.
 
2018 có thu hút được thí sinh giỏi vào sư phạm?
Ảnh minh họa: Thanh Hùng.
Lý do, còn phải cần áp dụng đồng bộ hệ thống các chính sách ưu tiên, như lương, điều kiện làm việc và vị thế trong xã hội... “Mà lương, đời sống giáo viên như hiện nay thì làm sao thu hút được những em giỏi nhất? Các em đương nhiên sẽ tìm những ngành nghề có thu nhập cao hơn”.
 
Do đó, xác định mốc thời gian 2018 là khó bởi "một chính sách đúng cũng cần phải có một thời gian nhất định, đủ dài để có thể đi vào cuộc sống". 
 
Còn GS Đinh Quang Báo lại cho rằng có thể thực hiện được việc này vào năm 2018 hay không còn phụ thuộc vào quyết tâm của Chính phủ, của Bộ GD-ĐT.
 
“Nếu ngay từ 2018, khẳng định đảm bảo được việc sinh viên sư phạm ra trường đều có việc làm thì chí ít, chất lượng đầu vào có thể tăng và cũng có thể lấy được các sinh viên từ khá trở lên.
 
Còn nếu có cơ chế đảm bảo rằng ra trường lương hậu hĩnh thì học sinh sẽ đổ dồn vào ngay, sẽ có được sinh viên ưu tú. Phải có cú hích về mặt đãi ngộ” - ông Báo nói.
 
Ông Báo cho biết mình nhận thấy rõ điều này trong thời gian còn làm Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội: ĐH Đảng lần thứ 8 diễn ra vào tháng 12/1996. Đến tháng 2/1997 có hội nghị TƯ 2 khóa 8 bàn về nâng cao chất lượng giáo dục, trong đó có việc nâng cao chất lượng các trường sư phạm và chế độ miễn học phí, tăng học bổng cho sinh viên sư phạm. Ngay mùa thi năm 97-98, tất cả học sinh top đầu của phổ thông gần như đều đổ dồn vào ngành sư phạm...
 
"Một cú hích đủ mạnh là đủ để lấy được người giỏi vào ngay” - ông Báo khẳng định.

Theo Vietnamnet
BÌNH LUẬN FACEBOOK
TIN LIÊN QUAN

965 học bổng Chính phủ Liên bang Nga năm 2020   (13/05/2020)

Cô gái vàng Vật lý nhận học bổng 7 tỷ từ ngôi trường hàng đầu nước Mỹ   (07/05/2020)

Bộ GD-ĐT sẽ hỗ trợ các trường đăng ký xét tuyển và lọc ảo theo nhóm trường   (05/05/2020)

Học sinh trở lại trường sau Covid-19: Chia đôi lớp học để thực hiện giãn cách   (28/04/2020)

Dạy học trên truyền hình cho học sinh cuối cấp   (13/03/2020)

Yêu cầu trong quy hoạch cơ sở giáo dục nghề nghiệp   (12/09/2019)

Startup giáo dục Việt gọi vốn thành công 4 triệu USD   (27/08/2019)

Thông tin "Hàn Quốc chính thức ngừng nhận du học sinh Việt Nam từ 2018" là hoàn toàn giả mạo   (11/01/2018)

Săn học bổng du học   (11/01/2018)

Du học sinh 'nói thật', phụ huynh Việt đau đầu   (11/01/2018)

THƯƠNG HIỆU TIN DÙNG