Loading...

Hotline: 0905.329.019

Nỗi lo thuốc giả

05/12/2017

Thuốc giả có nhiều dạng khác nhau, nhưng kết quả cuối cùng là khi sử dụng cả bác sĩ và người bệnh gặp thất bại trong điều trị, tăng độc tính, tăng tình trạng kháng thuốc, thậm chí gây tử vong.

Nỗi lo thuốc giả
 Ảnh minh họa.

11% thuốc chữa bệnh là thuốc giả
 
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa cho biết khoảng 11% thuốc chữa bệnh tại các quốc gia đang phát triển là thuốc giả và có thể là nguyên nhân mỗi năm gây tử vong cho hàng chục nghìn trẻ em mắc các chứng bệnh như sốt rét hay sưng phổi.
 
Qua 100 cuộc nghiên cứu liên quan đến 48.000 loại thuốc chữa bệnh, các chuyên gia kết luận rằng trong số các loại thuốc giả, thuốc chữa trị sốt rét và nhiễm trùng chiếm gần 65%.
 
Riêng tại Việt Nam, tình trạng thuốc giả, thuốc kém chất lượng trong thời gian gần đây khiến khá nhiều người băn khoăn. Mới đây, các cơ quan chức năng phát hiện thuốc tẩy giun Fugacar giả được bày bán công khai tại một số nhà thuốc tại TP HCM.
 
Thuốc Fugacar giả được sản xuất khá tinh vi, chỉ có thể phát hiện những điểm khác nhau khi so sánh vỏ hộp, tờ hướng dẫn sử dụng, thuốc thật và giả khi để cạnh nhau. Nhưng điểm khác này không phải người tiêu dùng nào cũng phát hiện được.
 
Hay gần nhất, trong khi dư luận đang xôn xao về câu hỏi vụ thuốc ung thư H-Capita 500mg Caplet do Công ty VN Pharma nhập về Việt Nam là thuốc giả hay thuốc kém chất lượng thì ngày 24/10, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án, thực hiện lệnh bắt tạm giam Nguyễn Công Doanh (36 tuổi, trú tại Hoàng Mai, Hà Nội), để điều tra về hành vi buôn bán hàng giả.
 
Trong đó, nhiều mặt hàng là các loại thuốc điều trị ung thư, thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị ung thư có nguồn gốc được dán nhãn Vidatox (một sản phẩm của Công ty dược phẩm Labiofam - thương hiệu nổi tiếng của Cuba, được chiết xuất từ nọc độc bọ cạp xanh, có tác dụng giảm đau, phục hồi sức khỏe cho các bệnh nhân ung thư) để trục lợi hàng trăm triệu đồng của những bệnh nhân ung thư.
 
Trên đây chỉ là số ít trong những trường hợp bị Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) ra quyết định thu hồi, đình chỉ vì thuốc kém chất lượng.
 
Theo thống kê của Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương, hàng năm Viện lấy khoảng 1.000 mẫu thuốc, còn toàn hệ thống kiểm nghiệm trong cả nước (64 đơn vị) lấy khoảng trên 30.000 mẫu thuốc để kiểm nghiệm chất lượng. Kết quả cho thấy, năm 2016, tỷ lệ thuốc không đạt chất lượng chiếm khoảng 2%, thuốc giả chiếm khoảng 0,01%.
 
Nhìn chung, trong vài năm gần đây, tỷ lệ thuốc không đạt chất lượng qua kiểm nghiệm ở nước ta được duy trì ở mức 2-3%. 
 
Thuốc không có hoạt chất, chỉ có tinh bột
 
Tuy nhiên nhiều chuyên gia dược phẩm cho biết, kỹ thuật công nghệ ngày càng phát triển thì tình trạng thuốc giả, thuốc nhái nhãn hiệu ngày càng nhiều và ngày càng được làm giả tinh vi, khó phát hiện được bằng mắt thường.
 
Thậm chí có những loại thuốc thật nhưng khi gần hết hạn sử dụng được xóa bỏ hạn cũ và đóng bao bì với hạn dùng mới, khiến cơ quan chức năng và người bệnh rất khó phát hiện. 
 
Cùng với đó, có những nguồn thuốc giả có thể chứa đúng thành phần hoạt chất như thuốc thật nhưng lại sản xuất trái phép tại một số cơ sở sản xuất nước ngoài.
Còn có nguồn thuốc giả không chứa hoạt chất mà chỉ chứa tinh bột hay các thành phần thảo dược hoặc các chất hóa học có thể gây độc cho cơ thể.
 
Đáng lo ngại hơn, với công nghệ hiện đại như hiện nay, hầu hết các loại thuốc đều có nguy cơ bị làm giả với hình dạng, bao bì, nhãn mác giống như thuốc thật.
Trong đó rất nhiều loại thuốc đặc trị, kháng sinh đã bị làm giả như: thuốc điều trị tim mạch, tiểu đường, ung thư, ức chế virus, thần kinh, hỗ trợ sinh lý.
 
Các chuyên gia cho rằng, thuốc giả có nhiều dạng khác nhau, nhưng kết quả cuối cùng là khi sử dụng cả bác sĩ và người bệnh gặp thất bại trong điều trị, tăng độc tính, tăng tình trạng kháng thuốc, thậm chí gây tử vong.
 
Tệ hơn, ngay cả khi chất lượng của thuốc giả mạo có lượng hoạt chất tương đương với sản phẩm chính hãng thì thuốc giả vẫn rất nguy hiểm vì nó không có bất kỳ sự đảm bảo nào về các điều kiện sản xuất.
 
Nếu tác dụng phụ của thuốc thật nằm trong giới hạn từ 1/10.000 - 1/100.000 thì nguy cơ độc hại của thuốc giả lên tới 1/10, trong đó nguy hiểm nhất là ngộ độc thuốc và dị ứng thuốc. 
 
Để ngăn chặn được tình trạng thuốc giả, thuốc kém chất lượng, hiện nay, Cục Quản lý dược và các cơ quan chức năng đang thực hiện việc kiểm tra chất lượng 100% các lô thuốc nhập khẩu của các công ty sản xuất thuốc nước ngoài đã có thuốc vi phạm chất lượng trong quá trình lưu hành thuốc tại Việt Nam.
Đồng thời, tăng cường kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất thuốc trong nước, cũng như đẩy mạnh việc lấy mẫu và hậu kiểm thuốc sau khi đăng ký lưu hành.
Các bác sĩ khuyến cáo, người dân không nên tự ý mua và sử dụng thuốc mà cần mua thuốc theo chỉ định của bác sĩ, nên đến các địa chỉ tin cậy, tuyệt đối không nghe theo quảng cáo, truyền miệng, mua thuốc bán trên mạng.
 
Khi mua thuốc cần quan sát kỹ bao bì, hạn sử dụng. Khi sử dụng thuốc, nếu có sự nghi ngờ về tác dụng, hiệu quả nên dừng ngay và nhờ các dược sĩ, bác sĩ tư vấn.
 
Theo daidoanket.vn
BÌNH LUẬN FACEBOOK
TIN LIÊN QUAN

Một số công dụng tuyệt vời của quả mít với sức khỏe   (08/05/2020)

Nước giải khát Bidrico: Dinh dưỡng và thân thiện môi trường   (04/10/2019)

Cốm vi sinh BEBUGOLD - Chìa khóa vàng giúp đẩy lùi rối loạn tiêu hóa ở trẻ em   (02/09/2019)

Giảm hơn 252 tỉ đồng tiền mua thuốc khi đấu thầu tập trung quốc gia   (05/01/2018)

Dược phẩm Tâm Bình - thành công nhờ coi trọng chất lượng sản phẩm   (04/01/2018)

Khỏi cần dùng kháng sinh, loại quả này cũng chữa ho cực hiệu quả mùa đông này với một thao tác đơn giản   (29/12/2017)

Vitamin tổng hợp - Lợi ích và nguy cơ   (28/12/2017)

Viagra giá rẻ ồ ạt tung ra thị trường   (11/12/2017)

Hoàng Tiên Đan được quảng cáo tốt hơn cả... thuốc chữa bệnh?   (07/12/2017)

Thuốc mới giúp giảm 50% tần số cơn đau nửa đầu   (04/12/2017)

THƯƠNG HIỆU TIN DÙNG